( ) - Lượt xem: 4400
KỸ THUẬT KHÂU TAY
1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Ý nghĩa của khâu tay.
Mặc dù đã có những thiết bị hiện đại may được hàng loạt các sản phẩm may mặc đạt chất lượng cao nhưng khâu tay vẫn rất cần thiết trong may mặc gia đình, trong một số công đoạn của gia công trong các sản phẩm phức tạp như áo dài, măng tô, comple…
Những đường khâu tay có tác dụng:
- Là những đường khâu tạm thời, tạo điều kiện cho những đường may trên máy thực hiện được chính xác và chất lượng cao.
- Tạo dáng cho những bộ phận của quần áo phù hợp với hình dáng cơ thể, làm tăng giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ của quần áo.
- Làm cơ sở để phát triển nâng cao nghiệp vụ từ may quần áo đơn giản sang quần áo phức tạp được dễ dàng.
1.2. Những điều kiện cần thiết.
a. Chỗ ngồi khâu thuận tiện
Bố trí chỗ ngồi khâu ở nơi có đầy đủ ánh sáng và bàn ghế phù hợp với tầm vóc của cơ thể như có bục để chân hoặc bàn có thang ngang để ngồi khâu làm việc thoải mái, đạt năng suất cao, phòng tránh bệnh nghề nghiệp.
Ánh sáng đủ để nhìn thấy rõ mũi khâu với khoảng cách từ mũi khâu tới mắt là 25 ÷ 30 cm. Cường độ chiếu sáng cần thiết là 300 lux (lux là đơn vị đo cường độ ánh sáng). Nếu may hàng màu sáng có thể giảm 20 ÷ 40 % cường độ chiếu sáng, nếu may hàng tối màu thì tăng 40 ÷ 50 % cường độ chiếu sáng.
b. Có đủ các dụng cụ khâu tay thích hợp
- Kim chỉ khâu phù hợp với từng loại công việc về độ lớn, màu sắc, độ bền.
- Đê đeo tay bảo đảm chất lượng để tăng lực đẩy kim và bảo vệ tay.
c. Xâu chỉ, cầm kim và vải đúng phuơng pháp.
- Lấy chỉ có chiều dài khoảng 60 ÷ 70 cm (một nửa sải tay); không nên lấy dài quá sẽ bị vướng, rối.
- Một tay cầm kim, một tay vuốt xe đầu chỉ cho nhọn, xâu vào lỗ xâu kim, rút chỉ và thắt nút đầu chỉ.
- Tay phải cầm kim, ngón cái và ngón trỏ cầm thân kim, đặt đuôi kim vào ngón tay giữa ngón đeo đê.
- Tay trái cầm vải, ngửa bàn tay để vải nằm trong lòng bàn tay: ngón cái và ngón út để trên vải, 3 ngón còn lại để ở dưới lớp vải để kẹp giữ các lớp vải khi khâu (riêng đường lược dựng thì vải để trên mặt bàn).
Hình 2.1. Cách cầm kim và vải
d. Bẻ cạo mép vải phù hợp với từng loại canh sợi.
- Bẻ mép vải thẳng canh sợi dọc: dùng móng tay cái cạo cho chết mép.
- Bẻ mép vải thẳng canh sợi ngang: dùng đốt ngón tay cái hoặc bẻ chết trên tay.
- Bẻ mép đường cong tròn: dùng vạch hoặc đánh chun trên máy mới bẻ, dùng đốt ngón tay cái để miết.
1.3. Phân loại các đường khâu tay.
- Khâu lược
- Khâu chũi (khâu thường)
- Khâu đột
- Khâu vắt
- Thùa khuyết
- Đính cúc (đơm nút)
- Đính móc
- Tết bọ